Marketing
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Khám phá
  • Phong tục hôn nhân của dân tộc Kháng

Phong tục hôn nhân của dân tộc Kháng

Các nghi thức hôn nhân ở dân tộc Kháng chịu ảnh hưởng cơ bản từ phong tục cưới hỏi của dân tộc Thái, trong đó có một nghi lễ đặc biệt giống với tập quán của dân tộc Thái đó là nghi lễ đi ở rể.


Nghi lễ hôn nhân ở dân tộc Kháng trải qua 5 bước: Dạm ngõ, ăn hỏi, cưới, lễ về nhà chồng, lại mặt.

Dân tộc Kháng có phong tục tìm người mai mối cho đôi trẻ. Người được chọn làm mối có thể là nam hoặc nữ, phải là người có gia đình hòa thuận, hạnh phúc, đông con, vợ chồng biết làm ăn vì theo quan niệm của họ người làm mối sẽ mang lại may mắn, cuộc sống đầy đủ, đông con nhiều cháu cho cặp vợ chồng tương lai

Dạm ngõ: Khi đôi trai gái đã ưng ý nhau thì bố mẹ bên nhà trai sẽ tìm một người mối, đại diện cho nhà trai mang lễ vật sang nhà gái dạm ngõ. Lễ vật dạm ngõ thường rất đơn giản chỉ cần một con gà và một chai rượu. Sau buổi gặp mặt đầu tiên nếu nhà gái nhận lễ và mời nhà trai ở lại ăn cơm hoặc nhà gái nhận lời thì tức là việc hôn nhân của đôi trai gái sẽ được tiến hành.

Lễ hỏi: nhà trai chọn ngày lành tháng tốt mang một ít lễ vật gồm: lợn, gà, rượu, gạo đến nhà gái để đặt vấn đề chính thức về cuộc hôn nhân cho đôi trẻ. Trong lễ này, nhà gái mời họ hàng thân thích đến dự để bàn bạc thống nhất với đại diện nhà trai về lễ vật thách cưới mà nhà trai phải nộp cho nhà gái theo phong tục dân tộc Kháng. Đặc biệt, trong ngày lễ ăn hỏi nhà trai phải chuẩn đồ sính lễ cho cô dâu - tuỳ theo kinh tế của từng gia đình nhưng thông thường gồm 1bộ váy áo, 1 đôi tóc giả, 1đôi hoa tai, 1 trâm cài tóc và nếu giàu có thêm 1 đôi vòng tay bạc. Các thứ này là của lấy lòng tin con dâu. Nếu sau này 2 vợ chồng cãi nhau muốn bỏ nhau cô dâu phải trả lại những vật này cho bố mẹ chồng.

Lễ cưới (đây là lễ cưới ban đầu hay còn gọi là lễ búi tóc cho cô dâu - tẳng soi đe quân măn): Từ lễ ăn hỏi đến lễ cưới thời gian thường từ vài ba tháng, hoặc một năm, tuỳ thuộc vào sự bàn bạc thống nhất giữa nhà trai với nhà gái hoặc tuỳ hoàn cảnh mỗi gia đình. Sau khi chọn được thời gian thích hợp, nhà trai chủ động bàn bạc với nhà gái để chuẩn bị cho lễ cưới.Tại lễ cưới này cô dâu sẽ làm luôn lễ búi tóc ngược. Chọn được ngày lành, tháng tốt nhà trai mang đủ lễ vật như đã thoả thuận với nhà gái để làm lễ cưới. Trong lễ cưới, người đại diện cho nhà trai nói lời cảm ơn nhà gái đã có công sinh thành, nuôi dưỡng cô dâu. Khi đến nhà gái, chú rể phải có lễ trình tổ tiên, cũng như cô dâu phải lạy trước bàn thờ ma của gia đình và quỳ xuống để bà mối hoặc một người phụ nữ lớn tuổi có uy tín làm lễ búi tóc cho cô dâu. Sau đó cô dâu được đưa về nhà trai để ra mắt bố mẹ và họ hàng nhà chồng rồi mới quay về nhà mẹ đẻ để chú rể ở rể.

Lễ vật thách cưới: Lễ vật thách cưới của dân tộc Kháng chủ yếu là nông phẩm: gà, vịt, lợn,gạo, rượu,... và sản phẩm từ nghề dệt nhu vải, chăn, đệm, khăn, gối, trang phục cô dâu. Đặc biệt là phải có các ống cá chua (tu ca bloong). Cá chua là một món ăn truyền thống được người Kháng rất ưa dùng. Người Kháng thường dùng để đãi khách quý đến nhà. Đám cưới nào không có cá chua coi như đám cưới đó không to, không được dân bản khen ngợi.

Lễ về nhà chồng: Hay còn được coi như lễ cưới lần 2 của đôi vợ chồng sau thời gian ở rể một vài năm. Đây là một nghi lễ đánh dấu mốc cô dâu chính thức về cư trú bên nhà chồng và chú rể kết thúc hạn ở rể. Nghi lễ này diễn ra gọn nhẹ hơn lễ cưới, lễ vật gồm có thịt, rượu, gạo nếp. Cô dâu mang đồ đạc cá nhân, quần áo, quà gia đình mình tặng (chia cho) cùng quà mang về tặng bố mẹ chồng và họ hàng bên chồng.

Lễ lại mặt: Sau ngày cưới, đôi vợ chồng mang theo xôi, gà, rượu trở lại nhà gái để làm lễ lại mặt.

Của hồi môn: Tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, cha mẹ cô dâu có thể cho thêm tiền, vải, đồ trang sức, trâu, bò, gà lợn, đồ dùng gia đình để con gái mang về nhà chồng. Ngoài ra cô dâu còn mang theo quần áo, chăn màn... là những sản phẩm do cô dâu tự làm hoặc do nhà gái chuẩn bị cho con.

Mùa cưới: Mùa cưới của dân tộc Kháng thường diễn ra từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau. Theo quan niệm của đồng bào thì đây là thời gian thuận lợi: thu hoạch mùa xong xuôi, no đủ, công việc nông nhàn.

Trang phục của cô dâu, chú rể:

Trong ngày cưới, chú rể mặc bộ quần áo mới do mẹ đẻ làm cho. Cô dâu mặc bộ y phục gồm áo dài, váy, áo cóm, thắt lưng, khăn piêu và đeo một số đồ trang sức như vòng cổ, hoa tai, vòng tai.Bộ y phục cưới khác với bộ y phục thường ngày là có thêm chiếc áo dài bên ngoài. Chiếc áo dài này do mẹ đẻ cô dâu chuẩn bị cho trước ngày cưới vài tháng. Trang sức đeo ngày cưới có thể là trang sức được cha mẹ tặng trước ngày cưới hoặc những trang sức do nhà trai mang tặng trong lễ hỏi. Bộ váy và áo cóm mặc hôm cưới là do bố mẹ chồng tặng hôm ăn hỏi, cô dâu mặc cả bộ váy, áo cóm, thắt lưng, khăn piêu và áo dài trong lễ cưới và lễ về nhà chồng (lễ cưới lần 2). Sau đó bộ y phục cưới này sẽ được cô dâu cất đi làm kỷ niệm, sau này có thể mang ra kể lại cho con cháu nghe và xem. Váy, áo cóm, khăn piêu, thắt lưng có thể tặng lại cho con cháu giữ gìn, riêng áo dài thì dặn con cháu khi nào chết thì gấp để gối đầu cho mình.

Ngày nay, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, các nghi lễ trong hôn nhân và tục lệ cưới xin của đồng bào Kháng tuy vẫn được duy trì nhưng chỉ còn về mặt hình thức, còn các lễ vật và trang phục cô dâu chú rể sử dụng trong các nghi lễ đã có sự thay đổi. Các lễ vật hiện nay đã được giảm bớt, thay thế bằng tiền mặt; trang phục cô dâu chú rể làm bằng các chất liệu hiện đại mua ngoài thị trường.